Từ thắt lưng trở lên,ýcôchântobiếnngoạihìnhthànhcỗmáykiếmtiềcông nhân Fanny Mills trông như một phụ nữ bình thường. Nhưng danh tiếng của cô lại đến từ đôi chân. Mills, sử dụng nghệ danh "Quý cô chân to Ohio", mắc một căn bệnh khiến bàn chân phát triển khổng lồ.
Fanny Mills sinh ra ở Anh vào khoảng năm 1860 và cùng gia đình di cư đến Sandusky, Ohio, khi cô còn nhỏ. Ngay từ đầu, cha mẹ cô đã nhận ra rằng có điều khác biệt ở con gái họ.
Hai chị của Mills phát triển hoàn toàn bình thường. Nhưng Fanny Mills sớm bắt đầu biểu hiện các triệu chứng của bệnh Milroy, bệnh di truyền gây chứng phù bạch huyết, thường ở chân và chủ yếu ảnh hưởng đến phụ nữ. Đây không phải là bệnh phù chân voi do nhiễm giun chỉ thường thấy ở các nước nóng ẩm.
Trong thời gian rất ngắn, bàn chân của Mills đã sưng lên đến mức đáng kinh ngạc. Mills nặng 52 kg nhưng bàn chân cô dài gần 50 cm, rộng gần 18 cm. Mills được cho là phải đi giày làm từ ba bộ da dê và tất làm từ vỏ gối.
"Các ngón chân không đều, ngón chân út chỉ như hai núm nhỏ. Cô ấy không có móng chân", một phóng viên đến thăm nhà Mills mô tả trên báo.
Năm 1885, Fanny Mills quyết định biến bản thân thành "cỗ máy kiếm tiền". Cô cùng một người bạn tên Mary Brown lên đường đến các chương trình biểu diễn kỳ dị ở khắp khu vực Bờ Đông đất nước. Brown giúp cô bước đi, thay giày hỗ trợ cô trong sinh hoạt.
Các buổi trình diễn kiểu này khá phổ biến tại Mỹ vào thế kỷ 19. Chỉ với khoản tiền rất nhỏ, khán giả có thể xem những con người với vẻ ngoài khác lạ và khả năng đặc biệt từ mọi nơi trên thế giới. Đa phần những người biểu diễn mắc các căn bệnh lạ mà khoa học lúc bấy giờ chưa thể gọi tên.
Bàn chân khổng lồ của Mills đã biến cô trở thành tâm điểm trong các buổi trình diễn. Không bao lâu sau, hình ảnh cô xuất hiện nổi bật trên những tờ rơi quảng cáo chương trình. Họ tung tin rằng Mills sẵn sàng trả 5.000 USD cho người đàn ông nào cưới mình.
"Đừng để hai bàn chân to chen giữa bạn và cuộc hôn nhân may mắn", một áp phích quảng cáo về Mills viết.
Đây chỉ là chiêu trò quảng cáo, Mills đã kết hôn vào năm 1886 với William Brown, anh trai của Mary Brown.
"Quý cô chân to Ohio" đã trở thành trụ cột cho các chương trình biểu diễn kỳ dị. Mills có thời điểm kiếm được 150 USD một tuần, tương đương khoảng 4.000 USD ngày nay.
Làm ra tiền nhưng Mills lại không có thời gian để tận hưởng chúng. Năm 1887, cô sinh con đầu lòng nhưng đứa bé chết non. Sức khỏe của cô sau đó bị ảnh hưởng nghiêm trọng và Mills ngừng biểu diễn vào năm 1892.
Cô và chồng trở về Ohio, nơi Mills không lâu sau qua đời ở tuổi 39.
Trong nhiều thập kỷ, các chương trình biểu diễn kỳ dị vẫn tiếp tục tồn tại mà không có cô. Nhưng thời gian của họ cũng không thể kéo dài. Khi thế giới bước sang thế kỷ 20, khán giả bắt đầu thờ ơ và chúng dần biến mất.
Nguyên nhân đầu tiên là những nghệ sĩ biểu diễn như Fanny Mills không còn bị coi là "kỳ quái" nữa. Thay vào đó, xã hội đã bắt đầu hiểu được tình trạng bệnh đằng sau những người như "Quý cô chân to Ohio".
Mặt khác, đám đông có nhiều lựa chọn giải trí hơn. Tốc độ phát triển nhanh chóng của truyền hình và phim ảnh đồng nghĩa với việc mọi người có thể xem các buổi biểu diễn thú vị ở nhà hay rạp chiếu phim.
Về mặt nào đó, Fanny Mills thực sự đã trở thành ngôi sao trong thời đại của cô. Với một căn bệnh bị hiểu lầm, cô đã tận dụng nó để biểu diễn, sẵn sàng chấp nhận vô số ánh nhìn từ những người xa lạ để được trả tiền và thành công với công việc này. Bảo tàng Follett House tại Ohio hiện trưng bày chiếc khuôn đã được dùng để đóng giày cho Mills.
Vũ Hoàng (Theo ATI)